Theo đại biểu TP.HCM – ông Trần Hoàng Ngân, đóng góp địa giới hành chính không còn ý nghĩa nhiều, trong khi hai Sở vẫn đang vận hành tốt do đó không cần điều chỉnh, có thêm công ty mẹ là Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Nêu ý kiến tại Hội thảo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng thay vì thành lập cơ quan quản lý trung gian là Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam thì nên tăng thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Nghĩa là đảm bảo tính độc lập của Ủy ban và tăng tính hiệu quả của các đơn vị trực thuộc UBCKNN.
Đại biểu Nguyễn Tạo nhận xét, mô hình hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vẫn đang tốt và trong điều kiện cơ chế chính sách Việt Nam thì mô hình hoạt động như thế là thiết thực. Điều cần là làm sao duy trì thương hiệu của VN-Index, thiết lập một tên chỉ dẫn cụ thể để xác định chỉ dẫn các thị trường khu vực.
Cùng tham luận, đại biểu của tỉnh Đồng Tháp đóng góp nên có chi nhánh của Sở giao dịch ở một số địa phương, chẳng hạn Đà Nẵng, Quảng Ninh… những địa phương có doanh nghiệp lớn hoạt động niêm yết sẽ phù hợp hơn. Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị khi liên hệ công việc.
Trong khi đó, ông Đặng Tiến Quyết – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp của Bộ Tài chính đánh giá việc sát nhập sàn để giải quyết chi phí xã hội và thống nhất tiêu chí giữa 2 sàn. Còn nếu duy trì hai sàn với hai 2 tiêu chí niêm yết khác nhau là không được.
Hội thảo Lấy ý kiến về Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi do Ủy ban Kinh tế tổ chức sáng ngày 25/07
UBCKNN nên trực thuộc Bộ Tài chính hay Chính phủ?
Thẩm quyền của UBCKNN cũng như tổ chức của UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính hay Chính phủ là vấn đề nóng được nhiều đại biểu thảo luận.
Đóng góp ý kiến, đại biểu Phan Thái Bình (tỉnh Quảng Nam) cho rằng cần tăng cường thẩm quyền cho UBCKNN. Vì Ủy ban muốn ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải thông qua Bộ Tài chính. Đồng thời, thẩm quyền quan trọng nhất của Ủy ban là xử lý vi phạm, nhưng Ủy ban không đủ thẩm quyền thì không thể làm được. “Mô hình tổ chức mâu thuẫn với thẩm quyền, chung quy, UBCKNN nên trực thuộc Chính phủ chứ không phải Bộ”, ông Bình nêu quan điểm.
Vị đại biểu cũng đóng góp nên đánh giá tính hiệu quả của các mô hình hoạt động. Thị trường chứng khoán tăng trưởng “vượt bậc” nhưng biết đâu nếu UBCKNN hoạt động theo mô hình trực thuộc Chính phủ lại “vượt bậc” hơn nữa.
Bên cạnh ý kiến đồng tình việc UBCKNN trực thuộc Chính phủ của nhiều đại diện khác. Đại diện Công ty chứng khoán Yuanta, ông Lê Minh Tâm cũng đề xuất Luật Chứng khoán sửa đổi nên quy định rõ vai trò của UBCKNN. Đồng thời, nên xây dựng luật phù hợp để UBCKNN có đủ quyền hạn để ra quyết định có các văn bản thật nhanh, sản phẩm thật nhanh để kịp thời với nhu cầu thị trường.
Quy định thế nào về tỷ lệ sở hữu nước ngoài?
Liên quan tới tỷ lệ sở hữu nước ngoài, đại biểu Phan Thái Bình nêu ý kiến tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài không nên quy định rõ. Có nên nâng tỷ lệ lên nữa hay không hay hạ xuống thì tùy từng thời kỳ. Vị đại biểu cũng đặt ra câu hỏi quy định tối đa không quá 49% nhưng nếu nhà đầu tư nước ngoài sở hữu gián tiếp thì sở hữu thế nào? Như vậy quy định có đảm bảo khả thi về quyền quyết định của cổ đông trong nước. Theo đó, nên xem xét cơ chế để thu hút vốn nhưng vẫn duy trì quyền quyết định của nhà đầu tư trong nước.
Đại diện quỹ Dragon Capital góp ý về vấn đề này: Muốn giải quyết vấn đề sở hữu nước ngoài thì một phải sửa Luật Đầu tư, hai là sửa trực tiếp vào Luật Chứng khoán. Vì vướng mắc không chỉ ở Luật Chứng khoán mà còn ở Luật Đầu tư.
Vị đại diện của quỹ này đưa số liệu rằng tổng quy mô niêm yết thị trường Việt Nam là 145 tỷ USD. Số tiền của nhà đầu tư nước ngoài là 18 tỷ USD. Trong đó 7.2 tỷ USD thuộc nhiều Công ty lớn VIC, VNM… với lượng sở hữu còn lại thì các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể đầu tư một lượng rất nhỏ vào thị trường.
Đại diện quỹ góp ý cần có cơ chế để giải quyết vấn đề này, chứng chỉ niêm yết không có quyền biểu quyền (NVDR) là phương án cần được xem xét.
Theo Vietstock.vn