Với mức tăng 13%, chứng khoán một lần nữa khiến thế giới trầm trồ về Việt Nam sau những thành tựu về chống đại dịch Covid-19. Mặc các nhà đầu tư nước ngoài rút tiền để phòng ngừa rủi ro, các nhà đầu tư trong nước vẫn đang khiến thị trường chứng khoán tăng điểm. Giờ đây, không chỉ các nhà đầu tư Việt Nam nhìn thấy cơ hội ở thị trường chứng khoán Đông Nam Á này.

Joshua Crabb, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Robeco, Hồng Kông, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục đầu tư và tìm kiếm những câu chuyện cụ thể về các cổ phiếu tốt”. Crabb cũng nhấn mạnh Việt Nam là một thị trường có triển vọng về trung hạn.

Trong những tháng qua, Việt Nam đã áp dụng một loạt các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn virus, bao gồm truy vết các ca nhiễm Covid-19 và tiến hành xét nghiệm với hơn 100.000 người. Thành tựu chống dịch ở Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tán thưởng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ nhanh nhất châu Á trong năm 2020. Việt Nam cũng đã tránh được một cuộc suy thoái, vốn đang càn quét nhiều nước láng giềng châu Á.

 

VN Index (màu đen) so với MSCI châu Á – Thái Bình Dương (màu cam)

 

Trở lại năm 2003, Việt Nam cũng là quốc gia giành được sự khen ngợi vì đã xử lý nhanh chóng đại dịch SARS. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa khỏi danh sách những quốc gia bị dịch SARS hoành hành.

Chứng khoán Việt Nam nằm trong danh sách theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE Russell từ năm 2018. Quốc gia này cũng đang cố gắng để được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI Inc.

Có 2 sàn giao dịch chứng khoán chính thức ở Việt Nam bao gồm Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung hầu hết các công ty vốn hóa từ trung bình đến lớn và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, nơi có các cổ phiếu nhỏ, trái phiếu và giao dịch phái sinh. Ngoài ra, sàn Upcom hay còn gọi là Sàn chứng khoán Upcom có tên gọi đầy đủ là Unlisted Public Company Market, là tên gọi cho các công ty đại chúng chưa lên sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam được xem là một trong những thị trường nhỏ ở châu Á. Tổng giá trị vốn hóa của chứng khoán Việt Nam chỉ ở mức khoảng 170 tỷ USD, chưa bằng một nửa so với Singapore và Indonesia.

Dẫu vậy, từ đáy ngắn hạn ở vùng 650 điểm được xác lập hôm 31/3, chứng khoán Việt Nam đã có cú tăng ngoạn mục lên 868 điểm trong phiên giao dịch ngày 27/5, chưa đầy 2 tháng sau đó. Giá nhiều cổ phiếu đã trở lại mức trước khi Covid-19 bùng phát và ảnh hưởng tới Việt Nam.

Theo CafeF.vn – Bloomberg

    Hỗ trợ giải đáp




    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *