CTCK FPTS (FPTS) mới đây đã đưa ra báo cáo đánh giá hiệu ứng Tết âm lịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo FPTS, hiệu ứng Tết âm lịch là một trong những bất thường của thị trường chứng khoán khi tỷ suất sinh lời xung quanh các ngày Tết Âm lịch tăng cao một cách bất thường.

FPTS cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này được tâm lí học hành vi giải thích rằng các ngày lễ nhìn chung có tác động tích cực đến tâm lý. Đối với ngày lễ cổ truyền lớn nhất của Việt Nam, sau khi kết thúc 1 năm cũ, nhận được tiền thưởng cuối năm, nhà đầu tư đang trong trạng thái hưng phấn và chờ đón các ngày lễ sẽ trở nên tự tin hơn và sẵn sàng đầu tư vào các tài sản có rủi ro cao hơn.

Biểu đồ sự thay đổi trong tỷ suất sinh lợi của VN-Index, HNX-Index trong 5 ngày giao dịch trước và sau Tết Âm lịch (%)

 

Theo thống kê, chỉ số VN-Index tăng 13/18 lần, HNX-Index tăng 11/13 lần trong 5 ngày giao dịch trước tết; chỉ số VN-Index tăng 11/18 lần, HNX-Index tăng 9/13 lần trong 5 ngày giao dịch sau tết.

Dựa trên những dấu hiệu tích cực này, FPTS phân tích định lượng để kiểm định sự tồn tại của hiệu ứng Tết Âm lịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Kết quả đạt được ghi nhận tác động tích cực của hiệu ứng lên tỷ suất sinh lời: Hiệu ứng của giai đoạn 5 ngày sau Tết là không rõ ràng; trong 5 ngày trước tết, nắm giữ chứng khoán trong rổ VN-Index và HNX-Index trung bình đạt tỷ suất lợi nhuận lần lượt cao hơn 0,25% và 0,3% so với những ngày thường.

Hiệu ứng tết âm lịch trên TTCK Việt Nam

FPTS sử dụng các phương pháp phân tích dữ liệu định lượng phổ biến trong các nghiên cứu tương tự về hiệu ứng mùa vụ trên thế giới: Phương pháp thống kê mô tả cơ bản, thống kê Jarque-Bera, phép thử tính dừng của chuỗi Rt, mô hình hồi quy áp dụng phương pháp bình phương tối thiểu OLS, các mô hình phương sai sai số thay đổi tự hồi quy tổng quát GARCH.

Qua những thống kê mô tả cơ bản chỉ số VN-Index, có thể thấy hiệu ứng Tết Âm lịch thể hiện rõ ràng ở giai đoạn trước tết.

Tỷ suất sinh lợi trung bình theo ngày của 5 ngày trước tết cao gấp 9,7 lần so với các ngày giao dịch thông thường. Mặt khác, độ lệch chuẩn của giai đoạn trước tết là 1,28% còn nhỏ hơn độ lệch chuẩn của toàn bộ chỉ số VN-Index 1,52% thể hiện mức rủi ro biến động thấp hơn mức trung bình thị trường.

Tỷ suất sinh lợi trung bình theo ngày của 5 ngày sau tết tuy nhỏ hơn giai đoạn trước tết nhưng vẫn gấp 3,4 lần so với toàn chỉ số VN-Index và gấp 4,2 lần so với các ngày giao dịch thông thường. Tuy nhiên, đi kèm tỷ suất sinh lợi cao hơn là rủi ro lớn hơn mức trung bình thông qua độ lệch chuẩn 1,83%.

Tương tự VN-Index, HNX-Index cũng có hiệu ứng Tết Âm lịch rất rõ ràng đặc biệt là giai đoạn trước Tết.

Tỷ suất sinh lợi trung bình theo ngày của 5 ngày trước tết cao hơn hẳn giai đoạn trước tết của Vn-Index, gấp 82,1 lần so với các ngày giao dịch thông thường. Đồng thời, việc độ lệch chuẩn của giai đoạn trước tết là 1,45% nhỏ hơn mức toàn bộ các ngày của chỉ số HNX-Index 1,91% thể hiện giai đoạn trước Tết đem lại một tỷ suất sinh lời nhưng không đi cùng một mức rủi ro cao hơn.

Tỷ suất sinh lợi trung bình theo ngày của 5 ngày sau tết tuy nhỏ hơn giai đoạn trước tết nhưng vẫn gấp 5,8 lần so với toàn chỉ số HNX-Index và gấp 17,3 lần so với các ngày giao dịch thông thường. Kèm theo lợi nhuận là rủi ro lớn hơn mức trung bình của toàn bộ các ngày thông qua độ lệch chuẩn 2,04%>1,91%.

Kết quả thống kê định lượng bằng các mô hình hồi quy cũng cho kết quả tương tự khi cho thấy sự tồn tại của tác động tích cực của giai đoạn 5 ngày trước Tết Âm lịch đến tỷ suất sinh lời của chỉ số VN-Index và HNX-Index. Ảnh hưởng của giai đoạn 5 ngày sau Tết Âm lịch là không rõ ràng.

FPTS cho rằng việc tỷ suất sinh lời lớn gấp nhiều lần so với mức trung bình các ngày giao dịch thông thường nhưng không đi kèm với sự gia tăng rủi ro khiến Tết Âm lịch 2019 trở thành một cơ hội đầu tư ngắn hạn.

Minh Anh

Theo Trí thức trẻ

(nguồn: CafeF.vn)

    Hỗ trợ giải đáp




    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *