Trao đổi với phóng viên Trí Thức Trẻ, bà Sian Fenner, lãnh đạo khu vực châu Á của Oxford Economics, cố vấn kinh tế trưởng của ICAEW Việt Nam đánh giá: “Hạn chế đi lại đã gây ra ​​sự sụt giảm mạnh trong doanh số và doanh thu du lịch. Dù vậy, chúng tôi vẫn thấy hoạt động công nghiệp tăng trưởng mạnh, với mức tăng mạnh 6,6% trong tháng 2”.

Bà Sian Fenner, lãnh đạo khu vực châu Á của Oxford Economics, cố vấn kinh tế trưởng của ICAEW Việt Nam​

 

Nhiều ý kiến ​​cho rằng Covid-19 có thể gây ra suy thoái kinh tế lớn hơn Đại khủng hoảng 2008, bởi nó ảnh hưởng đến cả cung và cầu của chuỗi cung ứng, và tấn công Trung Quốc – nhà xuất khẩu và nhập khẩu quan trọng nhất đối với nhiều quốc gia. Bà nhận định ra sao về ý kiến đó?

Các biện pháp cách ly xã hội đang được áp dụng rộng rãi trên khắp các quốc gia phương Tây. Bất ổn trên thị trường tài chính đang hiện hữu, bất chấp sự can thiệp mạnh mẽ của ngân hàng trung ương. Ảnh hưởng của Covid-19 ngày càng tác động mạnh hơn đến nền kinh tế. Chúng tôi hiện dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ sụt giảm với tốc độ rất nhanh trong quý I/2020. Nhưng tốc độ sụt giảm trung bình trong toàn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) sẽ thấp hơn mức đó.

 

Trong ngắn hạn, tình hình là vô cùng thách thức. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng nền kinh tế sẽ phục hồi vào cuối năm 2020, theo kịch bản cơ bản của chúng tôi. 

Theo kinh nghiệm lịch sử từ các cuộc suy thoái ngắn và các đợt bùng phát trước đó, hầu hết các hoạt động kinh tế có xu hướng bị trì hoãn, thay vì bị phá hủy hoàn toàn. Việc nối lại hoạt động sau đó, kết hợp với các gói kích thích tài chính và tiền tệ ngày càng nhiều sẽ tạo điều kiện cho sự hồi phục tăng trưởng trở lại. Thế giới sẽ quay lại mốc trước Covid-19 một cách tương đối nhanh chóng. Có thể sẽ đạt được trong năm 2021 với mức tăng trưởng toàn cầu (tính theo ngang giá sức mua) tăng lên 4,8% năm 2021. Năm nay sẽ chỉ đạt 0,5%.

Bà đánh giá ra sao về khả năng phục hồi của sản xuất Trung Quốc?

Chúng tôi vẫn mong đợi sự phục hồi từ quý II/2020 trở đi, khi cuộc sống hàng ngày của mọi người và hoạt động kinh doanh của các công ty trở lại bình thường. 

Chúng tôi cho rằng một khi các nhà máy và các doanh nghiệp hoạt động trở lại hoàn toàn, họ sẽ thúc đẩy công nhân làm việc chăm chỉ hơn để xử lý những đơn hàng tồn đọng trong khoảng thời gian bị tạm ngừng hoạt động. 

 

Chính phủ Trung Quốc cũng đang tập trung vào việc bảo vệ vị trí của quốc gia này trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bằng cách đảm bảo rằng các công ty có thể sản xuất và đưa sản phẩm của họ tới khách hàng, và tới bến cảng để giao các đơn đặt hàng quốc tế. Sự hỗ trợ cũng bao gồm việc miễn thuế tạm thời cho đến cuối tháng 6/2020.

Nhưng sự suy giảm về nhu cầu nội địa Trung Quốc sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sự phục hồi. Hơn nữa, sự sụp đổ kinh tế vì Covid-19 đang lan rộng ra bên ngoài Trung Quốc, dẫn đến hậu quả lớn cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2020. Như vậy, nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa Trung Quốc cũng giảm theo. Do đó, sản xuất sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong những tháng tới.

Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới mới nhất, Oxford Economics dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ chậm lại chỉ còn 1,9% trong quý 1 năm nay và hạ dự báo cho năm 2020 từ 2,5% xuống 2,3%. Tăng trưởng của Trung Quốc cũng được dự báo sẽ giảm, vậy còn Việt Nam thì sao?

Sau khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế tối đa việc các tập trung đông người của người dân nhằm ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19, kết hợp với tình hình dịch ở những nơi khác, chúng tôi đã điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng của chúng tôi cho Trung Quốc. Lần này là một mức điều chỉnh rất lớn. 

Chúng tôi hiện dự báo GDP sẽ giảm 5% so với cùng kỳ trong Q1. Chúng tôi vẫn mong đợi sự phục hồi tuần tự mạnh mẽ trong phần còn lại của năm 2020. Nhưng, với sự khởi đầu “khủng khiếp” của năm nay, giờ đây, chúng tôi chỉ thấy họ có thể tăng trưởng trung bình 1% trong năm 2020 nói chung.

Đến nay, tác động của Covid-19 đối với Việt Nam là tương đối phức tạp. Hạn chế đi lại đã gây ra ​​sự sụt giảm mạnh trong doanh số và doanh thu du lịch. Dù vậy, chúng tôi vẫn thấy hoạt động công nghiệp tăng trưởng mạnh, với mức tăng mạnh 6,6% trong tháng 2. Triển vọng ngắn hạn dù sao cũng vẫn là ảm đạm do sự lây lan của virus.

Chúng tôi dự báo tác động của Covid-19 sẽ rõ ràng hơn trong dữ liệu xuất khẩu và sản xuất trong những tháng tới. 

Chuỗi cung ứng Việt Nam gắn chặt với Trung Quốc, với hơn 40% hàng hóa trung gian cốt lõi, được sử dụng làm đầu vào để sản xuất hàng hóa Việt Nam, đến từ Trung Quốc. Hơn nữa, sự bùng phát virus nghiêm trọng trên toàn cầu và sự suy giảm nhu cầu và cung cấp toàn cầu sẽ dẫn đến sự chậm lại trong nửa đầu năm 2020. 

Chúng tôi dự báo sẽ có sự phục hồi trong hoạt động toàn cầu và Việt ở nửa cuối năm 2020. Chúng tôi đã hạ thấp triển vọng tăng trưởng đối với Việt Nam. Bây giờ chúng tôi dự kiến ​​tăng trưởng GDP sẽ chậm lại 5,2% trong năm nay, từ mức 6,6% dự báo vào đầu năm.

Microsoft, Google và Samsung đồng thời đẩy nhanh việc chuyển sản xuất sang Việt Nam vì đại dịch này. Đây là một động thái tạm thời hay nó dự báo một xu hướng sẽ tiếp tục trong dài hạn?

Việt Nam đã là một người hưởng lợi chính trong khu vực khi các công ty điều chỉnh lại chuỗi cung ứng, vì chi phí lao động Trung Quốc tăng, thị trường tiêu dùng châu Á ngày càng phát triển và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở Mỹ. 

Với những dòng chảy cơ bản này, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là người hưởng lợi chính của dòng vốn FDI trong trung hạn do động lực lao động thuận lợi, gần với Trung Quốc và sự hội nhập sâu rộng. Vì vậy, chúng tôi hy vọng năng lực xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng.

Sau khi dịch bệnh kết thúc, khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam ra sao?

Như đã đề cập ở trên, chúng tôi tìm kiếm sự phục hồi vững chắc trong hoạt động toàn cầu và Việt Nam trong nửa còn lại của năm 2020 và năm 2021. Được hỗ trợ bởi bối cảnh tiền tệ toàn cầu ổn định, phù hợp hơn, chúng tôi hy vọng tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ tăng lên mức 7,4% vào năm 2021, tăng từ mức 5,2% trong năm nay.

Theo CafeF.vn

    Hỗ trợ giải đáp




    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *