Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 05/03/2023: Tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, củng cố niềm tin nhà đầu tư.

Vừa qua, nghị định 08/2023/NĐ – CP ban hành ngày 05/03/2023 có gì mới?

Theo đó, Nghị định có 3 NỘI DUNG thay đổi chính: (1) Có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp đến hạn bằng tài sản khác. (2) Tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, tạm ngưng quy định về thời gian phân phối trái phiếu doanh nghiệp cũng như xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (3) Được kéo dài kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp tối đa không quá 2 năm. (ĐIỀU KIỆN: phải được >65% trái chủ chấp thuận. Nhưng với các trái chủ không chấp nhận đàm phán, TCPH vẫn phải chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ như đã công bố trong Hợp đồng trước đó)

Chính phủ đang chọn kết hợp cả 2 giải pháp một lúc “vừa sửa chữa – vừa thay thế”, nhằm quyết liệt hỗ trợ và giải quyết vấn đề này.

Ở 2 NỘI DUNG (1) và (2) có thể nói mục đính chính của những thay đổi này nhằm “sửa đổi” cục diện khó khăn của Thị trường Trái phiếu doanh nghiệp hiện tại. Giai đoạn tiền “rẻ”, dòng vốn dễ dàng cùng sự dễ dãi trong quy định, rà soát, kiểm soát phát hành Trái phiếu Doanh nghiệp đã khiến nhiều Doanh Nghiệp (DN) – TCPH vung tay quá trán, huy động vốn vay gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Sự phát triển dễ dãi và thiếu kiểm soát mang lại những hệ lụy, và những hệ lụy đó là quả bom vỡ nợ treo lủng lẳng được đẩy vào tương lai. Thấy rõ được vấn đề hiện tại, Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành đã có những sửa đổi và chế tài ngay lập tức để chấn chỉnh lại hoạt động phát hành Trái phiếu Doanh nghiệp.

Và Nghị Định 08 vừa qua có thể nói là một động thái quyết đoán của Chính phủ trong việc này.

Nhìn chung, đây là lúc các TCPH – Doanh nghiệp và Trái chủ cần ngồi lại và đàm phán với nhau. Nợ bằng tiền, đến hạn trả nợ không có thể cấn trừ bằng tài sản, tỷ lệ thế nào 2 bên sẽ phải thảo luận, luật đã mở cửa cho vấn đề này. Đồng thời việc tạm ngưng các quy định về xác định NĐT chuyên nghiệp là cá nhân, thời gian phân phối TP hay xếp hạng tín nhiệm DN đồng nghĩa với việc: Các Doanh Nghiệp thực sự tốt, cấu trúc tài chính thỏa mãn điều kiện vẫn có thể phát hành Trái phiếu doanh nghiệp để có nguồn tiền cho các hoạt động “đảo nợ”, điều kiện phát hành cũng dễ thở hơn NĐ chút xíu, NĐT cá nhân cũng sẽ dễ tiếp cận và tỷ lệ hấp thụ của các đợt chào bán sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, sau khi trải qua một cú shock lớn, lòng tin suy giảm nặng nề, thì câu chuyện phát hành mới với thị trường trong nước giai đoạn hiện tại sẽ rất khó và khác.

Ở NỘI DUNG THỨ (3), đây là một sửa đổi tưởng chừng là có lợi cho Thị trường Trái phiếu doanh nghiệp, nhưng cũng sẽ khó. Được quyền sửa đổi các điều khoản, điều kiện của Trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm cả việc gia hạn trả nợ – kéo dài kỳ hạn tối đa 2 năm). NHƯNG phải được >65% Trái chủ đồng ý, VÀ với những Trái chủ không chấp nhận đàm phán, TCPH vẫn phải thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết.

Vậy sửa đổi này sẽ có lợi, hại như thế nào? (1) Ở góc nhìn của Doanh nghiệp – Tổ chức Phát hành (TCPH): được gia hạn trả nợ – kéo dài kỳ hạn nợ đó là một “CÁI PHAO CỨU SINH” vô cùng cần thiết. Nhưng, điều đặc biệt ở đây là mặc dù >65% chủ nợ đồng ý rồi, thì vẫn phải cố gắng làm mọi cách (xử lý TSĐB, bán tài sản, bán máu…) để trả nợ cho các ông không đồng ý đàm phán, theo nghĩa vụ của HĐ Trái phiếu. (2) Ở góc nhìn của Trái chủ – Chủ nợ: Điều mà họ muốn ngay lập tức là phải thu được Nợ về, càng sớm càng tốt. Như vậy điều này sẽ khiến họ khó chấp nhận “gia hạn” cho “con nợ” trừ khi họ không còn sự chọn lựa nào khác.

ĐÁNH GIÁ CỦA VNIR:

Các vấn đề bất cập hiện tại: pháp lý của các dự án bất động sản chưa giải quyết được, doanh nghiệp BĐS cũng không có sẵn tiền mặt đưa ngay, và điều khá quan trọng là nợ tại các NH sắp nhảy nhóm. Nên để nói tích cực ngay là khó! Có thể phải kèm theo vài yếu tố khác như: Đẩy nhanh việc gỡ pháp lý đối với các dự án BĐS-Ngân Hàng Nhà Nước sẽ chỉ đạo không nhảy nhóm nợ đối với DN BĐS.

Theo thống kê của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong năm 2022, có 420 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 244.565 tỉ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 136.772 tỉ đồng, chiếm 53,6% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân của nhóm này là 5,47 năm, lãi suất phát hành trung bình là 5,48%/năm. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.979 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ phát hành, chiếm khoảng 20,4% tổng giá trị phát hành. So với năm 2021, lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành bởi nhóm doanh nghiệp bất động sản giảm gần 76%.

Trong năm 2023, VBMA cho biết sẽ có khoảng 289.819 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Riêng tháng 01/2023, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn đạt 17.458 tỉ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản (10.500 tỉ đồng) và nhóm xây dựng (5.900 tỉ đồng).

Tác giả: ThS. Bùi Đình Như – Chủ tịch HĐQT VNIR

    Hỗ trợ giải đáp




    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *